Hầu hết lãnh đạo các trường ĐH,CĐ đều tán thành những thay đổi tuyển sinh 2012 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn không đồng tình về việc kéo dài thời gian xét tuyển, không in cuốn “Những điều cần biết”. Đặc biệt, đề nghị thay đổi lịch thi ĐH, CĐ.
Trong 5 đổi mới tuyển sinh 2012 của Bộ GD-ĐT công bố sáng ngày 14/2, hầu hết các trường đều tán thành. Tuy nhiên, có vài vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng là thời gian xét tuyển kéo dài, thời gian thi và không in cuốn “Những điều cần biết”.
Vấn đề tuyển sinh làm "nóng" Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sáng 14/2.
Nên có mốc thời gian xét tuyển
Về thời gian xét tuyển, năm nay Bộ GD-ĐT cho các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Theo đó, không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước… Hàng năm, chậm nhất là ngày 31/12, các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Sau thời điểm báo cáo, nếu các trường vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ có thể tiếp tục tuyển sinh.
Ông Nguyễn Hồng Anh, hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng: “Về việc không hạn chế thời gian xét tuyển, tôi thấy không hợp lý vì vậy Bộ cần xác định thời điểm để các trường chủ động kết thúc tuyển sinh chứ không nên kéo dài quá”.
Đồng quan điểm, ông Đinh Xuân Quang, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, đề nghị: “Bộ cần quy định thời gian xét tuyển cụ thể. Theo tôi, sau ngày 10/10 hoàn thành công tác tuyển sinh trên cả nước là hợp lý. Bởi xét tuyển không phân đợt nhưng phải chấm dứt ở một thời điểm”.
Ông Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Thi “3 chung” vẫn còn hiệu quả vì hiện nay các trường chưa có đội ngũ giảng viên tinh hoa để ra đề thi. Bộ bổ sung khối A1 là chính xác và hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, việc xét tuyển nhiều lần sẽ khó cho các trường. Bộ nên giới hạn mốc thời gian xét tuyển vì thí sinh cần chọn sớm ngành mà mình yêu thích”.
Trả lời các đại biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Việc kéo dài thời gian xét tuyển này tùy thuộc vào các trường, các trường được quyền tự chủ. Thời điểm kết thúc tuyển sinh do hiệu trưởng quyết định. Tuy nhiên, xét cho đến ngày nào thì Bộ không quy định cứng nhắc và sẽ không kéo dài đến cuối năm (ngày 31/12) vì bộ cũng cần phải báo cáo lên Chính phủ”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ đạo, việc xét tuyển đến thời gian nào sẽ không cứng nhắc, tuy nhiên không nên kéo dài quá lâu.
Xem xét lại thời gian các đợt thi
Theo dự kiến thì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 vẫn tổ chức 3 đợt thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7. Cụ thể như sau: Đợt 1, ngày 7-8/7/2012 thi đại học khối A, A1 và V. Đợt 2, ngày 14-15/7/2012, thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. Đợt 3, ngày 21-22/7/2012, thi cao đẳng tất cả các khối như năm 2011.
Ông Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề nghị rút gọn thời gian lại như những năm trước. Theo ông Nam, vấn đề tắc đường chỉ xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Trong trong những ngày thi thì cả cán bộ coi thi và thí sinh đều phải có mặt tại địa điểm thi từ 6h sáng và giờ thi kết thúc cũng không vào giờ cao điểm, vì vậy việc tổ chức vào thứ 7, chủ nhật để tránh tắc đường là không cần thiết. Việc tổ chức thi vào 3 thứ 7, chủ nhật làm cho các trường tổ chức thi rất vất vả, giáo viên không có thời gian nghỉ hè. Đặc biệt, nên in cuốn “Những điều cần biết” vì mạng Internet hiện nay không tốt, nhiều học sinh vùng nông thôn, miền núi không có điều điện vào mạng”.
Cùng chung ý kiến, PGS.TS Đặng Văn Uy, hiệu trưởng ĐH Hàng hải, cho rằng: “Hàng năm tuyển sinh rầm rộ, rất chặt chẽ nhưng sinh viên vào trường vẫn yếu kém. Đề nghị tổ chức tuyển sinh nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần tổ chức 2 đợt thi trong năm và không làm quá chặt. Không nên tập trung học sinh cả nước vào những đợt thi như hiện nay”.
Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Bộ sẽ cân nhắc lại về việc đổi ngày thi. Sở dĩ Bộ đưa ra phương án này là để tránh tắc nghẽn giao thông nhưng phản biện từ các trường cũng có lý. Để kéo dài thời gian tổ chức thi lực lượng ra đề thi và các lực lượng tham gia thi khác cũng sẽ căng thẳng, tốn kém. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến và sớm có quyết định cuối cùng về vấn đề này”.
Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh chặt chẽ qua phương tiện thông tin đại chúng.
Sẽ in cuốn “Những điều cần biết”
Việc Bộ GD-ĐT không in cuốn “Những điều cần biết”, tại hội nghị nhiều đại biểu đã không đồng tình với phương án này.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định sẽ không thực hiện việc này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Những thông tin cơ bản về tuyển sinh Bộ sẽ đưa lên trên mạng trang web của Bộ, các em vào đó có thể tra cứu rất nhanh gọn. Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với công ty Viettel, họ đảm bảo tất cả các trường THPT ở các vùng trên cả nước nếu cần truy cập internet thì họ đều có thể cung cấp phương tiện kéo mạng vào. Nếu như có khó khăn trong việc truy cập thì các trường liên hệ với cho Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT".
Đưa ra giải pháp tình thế, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay: "Bộ GD-ĐT sẽ khuyến khích tất cả những đơn vị xuất bản in cuốn "Những điều cần biết" để tạo điều kiện cho thí sinh tham khảo. Mặt khác, Bộ cũng sẽ có ý kiến với NXB Giáo dục tập hợp thông tin từ các trường, in và phát hành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, sách phát hành sẽ không là "dấu ấn" của Bộ vì không ghi của Bộ GD-ĐT. Các trường phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đưa ra. Bộ sẽ đứng ngoài để tránh tình trạng có thông tin sai sót lại không biết xử lí ai".
Hồng Hạnh-Dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét