Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012
0 nhận xét

Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

10:12:00

Đề chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" 


Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21, thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3. Trong bối cảnh chung của một kỷ nguyên mới, của thế giới và của đất nước sau 15 năm đổi mới, giáo dục Việt Nam cũng đang đứng trước những xu thế mới và những thách thức mới. Nói đến nền giáo dục ở Việt Nam, chúng ta đều nhận thấy rõ một điều rằng: Trong xu thế lớn hiện nay là sự toàn cầu hóa, công nghệ cao, đặt biệt là công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, xã hội thông tin, xã hội học tập… Những xu thế mới này đặt ra những vận hội và thách thức mới cho giáo dục ở nước ta. Có thế thấy những xu thế mới này mang tính khách quan, chúng vừa có mặt tích cực và vừa có mặt tiêu cực. Một tồn tại nghiêm trọng nhất của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là một vấn đề mà dư luận hiện nay đều rất bức xúc và quan tâm lên án.

Cứ nhìn vào những con số thành tích mà ngành giáo dục đạt được qua báo cáo hàng năm của các vị lãnh đạo ngành, ta có quyền tự hào không chút hổ thẹn rằng: Người Việt Nam mình hiếu học, học giỏi không nhất cũng nhì thế giới. Xóa nạn mù chữ với thời gian ngắn kỷ lục, học sinh cứ đến trường là được đến lớp, đã học là từ tiên tiến, giỏi trở lên, thi tốt nghiệp cáp II, cấp III đỗ hơn 90%, càng vùng sâu vùng xa đỗ càng cao, trường tiên tiến, trường chuẩn Quốc gia nhiều vô kể… Ngành giáo dục đã làm được điều mà cha ông ta trong quá khứ có nằm mơ cũng chẳng thấy, các nước tiên tiến trên thế giới cũng phải chào thua.
Sẽ là tuyệt vời nếu những con số tỉ lệ kia nói thật. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta phải nhìn nhận một thực trạng đáng buồn của nền giáo dục nước ta. Gian dối, không trung thực trong thi cử và chất lượng đang sa sút là hai hiện tượng song hành, tiếp tay, che đậy nuôi dưỡng nhau làm xuống cấp nền giáo dục hiện tại. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông qua các kỳ thi đại học, cao đẳng hàng năm đã không phản ánh đúng chất lượng thật của học sinh. Vì chất lượng thấp mà lại muốn có thành tích cao nên phải gian dối trong thi cử. Gian dối để đạt tỷ lệ từ 95% trở lên và tình trạng này diễn ra đều đều, kéo dài thì trò không cần miệt mài học, thầy không cần đầu tư suy nghĩ trong giảng dạy, quản lý chỉ đạo không cần sát sao, giáo dục vẫn được khen ngợi về thành tích tốt nghiệp.
Rõ ràng chất lượng sa sút và hiện tượng gian dối trong thi cử đã che đậy, tiếp tay và nuôi dưỡng nhau để cùng tồn tại. Cả hai bệnh này cũng tìm cách luồn lách đồng tiền vào quan hệ thầy, trò tạo ra một góc chợ đen mua bán kiến thức (thậm chí có khi là kiến thức giả) mua bán điểm, mua bán bằng cấp làm cho tính thiêng liêng, trong sáng trong quan hệ thầy trò bị lu mờ dần, không ít hình ảnh người thầy không còn “oai” và “hiền” trong nhân dân như trước. Vậy thì bệnh thành tích có chữa được không? Nếu bạn là những người thầy, những người cô có lòng tự trọng, có tâm huyết với nghề thì không thể không đau đớn, xót xa trước thực trạng học sinh ngày một lười biếng trong học tập, sa sút về đạo đức, trơ lỳ trong xúc cảm. Nếu chạy theo thành tích ảo, người giáo viên sẽ bị mất mát nhiều vì mất đi vị thế của người thầy, mất đi đối tượng học trò ham học, mất đi sự tôn trọng của phụ huynh và giờ đây cả xã hội đang nhìn vào giáo dục với cái nhìn phê phán…

Trong lịch sử giáo dục trước kia, hiện tượng tiêu cực trong thi cử chỉ xuất hiện khi triều đại cầm quyền suy thoái, cũng không trở thành hiện tượng xã hội vì số người đi thi ít và cũng dễ bị loại trừ. Ngày nay, tuy là một hiện tượng bức xúc nặng nề của giáo dục, của xã hội nhưng nếu lương tâm được thắp sáng, cả xã hội đồng thuận bài trừ tốt phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử” sẽ khắc phục được. Nhưng để kết quả này được lâu dài và có nền móng vững chắc thì phải giải được bài toán nâng cao chất lượng. Nếu chất lượng giáo dục vẫn tiếp tục sa sút thì sớm muộn hiện tượng gian dối trong thi cử sẽ quay trở lại. Việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là một việc không dễ dàng, nhanh chóng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội, nó phải được giải quyết bằng tinh thần quyết tâm, ý chí vươn lên của thầy và trò. Đó là dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá kết quả thật. Hơn bao giờ hết, người giáo viên phải nêu cao đạo đức nghề nghiệp, không bị lung lạc trước cám dỗ vật chất tầm thường làm sai lệch kết quả đánh giá học sinh. Dạy học với tất cả niềm đam mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, công bằng trong cách cho điểm, đánh giá, cô thầy sẽ khiến học sinh tâm phục khẩu phục, dẫu có bị đúp lớp các em cũng sẽ thấy như vậy là đúng, không có sự không công bằng trong cách đối xử.

Nếu mạnh dạn đánh giá kết quả thật, chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh chăm ngoan, học hỏi, có ý thức học tập tốt, ý thức kỷ luật tốt, sau này khi lớn lên có ý thức tuân theo pháp luật. Như vậy, giáo viên cũng dễ dàng tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận với phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới. Lúc bấy giờ, việc dạy học theo lối đọc chép sẽ không một giáo viên nào áp dụng nữa. “Cải cách giáo dục nhất thiết phải được xây dựng từ móng nhà trung thực…”

Giáo dục hay nói rõ hơn là chất lượng giáo dục là mục tiêu phấn đấu lâu dài của ngành và là sự nghiệp của toàn dân. Chống tiêu cực trong giáo dục không chỉ riêng ngành giáo dục làm là được. Thực hiện cuộc vận động lớn của ngành giáo dục “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” phải đồng bộ từ trên xuống dưới, quán triệt trước hết là từ lãnh đạo ngành ở địa phương, rồi đến các cơ quan liên quan, đến giáo viên, học sinh… Nên mạnh dạn xóa bỏ các chỉ tiêu thi đua hình thức, vì điều đó sẽ dẫn đến bệnh thành tích… Cuộc vận động này phải biến thành pháp lệnh, thành hành động cụ thể chứ không chỉ là “nói”, như vậy mới có hy vọng chấn hưng nền giáo dục nước nhà. “Cũng có khi con người phải lắng lòng để suy nghĩ về cái được cái thua, cái còn cái mất… bạn sẽ thấy mình vượt ra khỏi những ý nghĩ bon chen tầm thường để chọn một quyết định ý nghĩa hơn cho mình và cho đất nước”. Hy vọng cuộc vận động lớn này sẽ thổi vào trong các trường học một luồng sinh khí mới.

Để có một nguồn nhân lực mới đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì chất lượng giáo dục phổ thông phải được đặt ra cao hơn, toàn diện hơn và gay gắt hơn. Vì nguồn nhân lực lúc này đã trở thành hàng hóa sức lao động để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, vì nguồn nhân lực này có trách nhiệm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, nối tiếp thế hệ cha anh đã giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Từ đó, các điều kiện xã hội để giải quyết chất lượng giáo dục cũng phải được đặt ra đầy đủ, kịp thời và ngày càng cao hơn. Trong đó, đặc biệt là yếu tố đội ngũ người thầy - một nhân tố quyết định đến chất lượng. Đành rằng, việc nâng cao chất lượng giáo dục còn do nhiều yếu tố ràng buộc, nhưng suy cho cùng thì yếu tố giảng dạy của người thầy vẫn rất quyết định. Chỉ có nâng cao chất lượng giáo dục mới bảo đảm lâu dài, vững chắc cho sự trong sạch trường quy thời hiện đại.

Dẫu sao, khi Nhà nước có nhiều quan tâm và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, chúng ta luôn tin rằng ngành giáo dục nước ta đang có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực dần lên và cũng vì một lẽ, một đất nước đã có truyền thống hiếu học đến độ có một “ngày Nhà giáo Việt Nam” thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội thì chắc chắn nền giáo dục và chính trị của nước ta sẽ trở nên hưng thịnh trong một tương lai không xa..

ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer
Top