Bài Dự thi Việt-Laos 2012
*****
Trích: FORUM
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên, nhân tố dân cư, xã hội, văn hoá, lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai nước nhưng người đặt nền móng, quyết định mối quan hệ đặc biệt này chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Về các điều kiện tự nhiên, Việt Nam và Lào đều nằm ở trung tâm bán đảo Ấn-Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào.
Với địa hình tự nhiên này, về đường bộ cả Việt Nam và Lào đều theo trục Bắc-Nam. Còn về đường biển, Lào chỉ có thể thông thương qua một số tỉnh miền Trung Việt Nam . Với điều kiện tự nhiên như thế, Việt Nam và Lào vừa có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những nét khác biệt.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, để hợp tác cùng phát triển, hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng kinh tế và phân công lao động hợp lý.
Mặt khác, bờ biển Việt Nam tương đối dài nên việc bố trí chiến lược gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào, được ví như bức tường thành hiểm yếu để hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau tạo ra thế chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng, trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về các nhân tố dân cư, xã hội, Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Hiện tượng một tộc người sống xuyên biên giới quốc gia của hai nước, hoặc nhiều nước là đặc điểm tự nhiên của sự phân bố tộc người ở khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam và Lào nói riêng. Đặc điểm này đã chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ khác trên đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào.
Về nhân tố văn hoá và lịch sử, do quan hệ gần gũi và lâu đời nên nhân dân hai nước Việt-Lào, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới am hiểu về nhau khá tường tận và sự giao thương ở đây cũng khá nhộn nhịp. Trong quan hệ giao thương với Đại Việt, Lào Lạn Xạng đã không ít lần bộc lộ mối quan tâm của mình muốn hướng ra biển, trong khi Đại Việt lại tìm cơ hội để mở rộng buôn bán vào sâu lục địa.
Về nhân tố lịch sử, theo các thư tịch cổ nổi tiếng của Việt Nam thì mối quan hệ Việt-Lào bắt đầu từ những năm 550 dưới thời Vạn Xuân của nhà tiền Lý. Tiếp đến vào giữa thế kỷ XIV (năm 1353) những quy ước hoà bình đầu tiên về biên giới quốc gia đã được xác lập giữa Đại Việt và Lạn Xạng.
Ngoài ra, trong suốt quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427), nghĩa quân Lê Lợi cũng luôn nhận được sự tiếp sức của các tộc trưởng và nhân dân Lào ở vùng biên giới. Điều đáng nói là bất chấp hoàn cảnh bất lợi của chế độ phong kiến ở Đại Việt và Lạn Xạng, quan hệ nương tựa vào nhau giữa nhân dân hai nước vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng.
Từ khi Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin để xác định con đường giải phóng các dân tộc Việt Nam, Lào theo con đường cách mạng vô sản, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Việt Nam và Lào ngày càng hoà quyện vào nhau, nương tựa lẫn nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa là nhân tố quyết định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào- Việt Nam. Và chính Người đã cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn đã khẳng định rằng, trong quan hệ quốc tế ít có nơi nào và lúc nào cũng có được mối quan hệ đặc biệt, đoàn kết, hợp tác bền vững lâu dài, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội như mối quan hệ Việt - Lào.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam cùng với những cơ hội vẫn còn không ít thách thức. Vì vậy, việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt trong sáng, thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Một trong những nhân tố làm nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam, đó chính là tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Trước thế kỷ XX, cả hai dân tộc Việt-Lào đều trải qua hàng nghìn năm không ngừng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc để khẳng định sự tồn tại của mình với tư cách một dân tộc, một quốc gia độc lập.
Từ đầu thế kỷ XX, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp, mặc dù chỉ dừng lại ở tính chất tự phát. Từ khi được chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục.
Những năm 1930 - 1939, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước; tiếp đến là giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi (1939 - 1945) và liên minh Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang trang mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Đây là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào trở thành đảng cầm quyền ở mỗi nước. Cả hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng -an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục...
Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các hiệp ước: “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” và “Tuyên bố chung” đã tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.
Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, hai Đảng, hai Nhà nước đã cử trên 30 đoàn từ cấp trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi với nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, dân vận. Quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu quả.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam quý báu và thiêng liêng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong 4 câu thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản cũng đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào - Việt Nam”; “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Ngay từ năm 1921, khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào giải phóng “các dân tộc thuộc địa,” các dân tộc bị áp bức Á Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bền bỉ tố cáo chế độ thực dân Pháp và đã mô tả nỗi khổ chung của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam trong chế độ bắt phu đi làm tạp dịch, làm đường tại Đông Dương thuộc Pháp.
Như vậy, từ trước năm 1930 đã xuất hiện đoàn kết Lào-Việt cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở tính chất tự phát do hạn chế về trình độ nhận thức và điều kiện lịch sử. Nhưng tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục từ khi có chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân tộc Lào-Việt Nam. Người luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt-Lào, đó vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước. Trong tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn phát huy cao độ tính độc lập và chủ động của đồng bào các bộ tộc Lào; luôn gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ mật thiết cách mạng hai nước Lào-Việt Nam, nuôi dưỡng và phát huy sáng tạo sức mạnh chung của nhân dân hai nước để cùng tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Lào cũng như thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, giành độc lập cho nhân dân mỗi nước năm 1945.
Ngày 12/10/1945 tại Thủ đô Vientiane, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Ngày 14/10/1945, Việt Nam là nước đầu tiên gửi điện chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ngày 30/10/1945, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác tương trợ Việt-Lào. Với Hiệp ước này, quan hệ Việt-Lào đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc anh em không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà còn trên tầm quan hệ gắn bó giữa hai nhà nước.
Chủ tịch Souphanouvong đã khái quát ý nghĩa trọng đại của sự kiện này: “Quan hệ LÀO-VIỆT từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới” - kỷ nguyên của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam giúp đỡ nhau vì mục tiêu chung của hai dân tộc. Cũng ngày 30/10/1945, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Liên quân Lào-Việt Nam . Thắng lợi đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, là thắng lợi của nhân dân hai nước cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng đấu tranh giành thắng lợi. Đó là bài học lịch sử đầu tiên vô cùng quý giá trong lịch sử cách mạng giải phóng của hai dân tộc anh em.
Đúng như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: “Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hồ chí Minh sáng lập đã ra đời, là bước ngoặt lịch sử của cách mạng ba nước Đông Dương. Từ đó trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lênin chân chính và với ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào đã bước vào thời kỳ mới và với chất lượng mới hoàn toàn.”
Điều đó càng chứng tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào. Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/9/1969 tại Sam Neua, vùng giải phóng Lào, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Lào nói: “Đối với cách mạng Lào chúng ta, đồng chí Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào trước đây, cũng như sau này cho Đảng Nhân dân Lào khi Đảng đã được thành lập."
Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào mãi mãi bền vững”. Trong suốt cuộc hành trình lịch sử này, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào chúng tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi nguyện cùng với nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường củng cố và vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước; tăng cường tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cho thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc và bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đó. Quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam mãi mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930 và sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930), mối quan hệ truyền thống, lâu đời của hai dân tộc Việt Nam- Lào được nâng lên thành quan hệ đặc biệt, không ngừng được hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước vun đắp và đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Hai dân tộc Việt Nam , Lào vừa giành được quyền độc lập, đã phải đối phó ngay với thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Bên cạnh mở rộng mặt trận ngoại giao, liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố công cuộc cách mạng của mình, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đầu tiên cho nhiệm vụ tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở nên cấp bách. Việt Nam tận tình giúp Lào đào tạo cán bộ, truyền bá kinh nghiệm vận động quần chúng, giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các khu kháng chiến, từng bước đưa phong trào cách mạng Lào phát triển.
Trãi qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một chặng đường kế tục, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đã trở thành giá trị thiêng liêng của hai dân tộc. Hoạt động phối hợp đấu tranh của các cơ quan lãnh đạo cùng quân và dân Việt Nam, Lào đều xuất phát từ tình cảm sâu đậm, trách nhiệm cao cả của hai phía Việt Nam, Lào dành cho nhau, tạo nên những nguồn lực mới, những nấc thang phát triển mới của nội lực từng dân tộc, của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung và mở đường đi tới toàn thắng.
Sau khi hai dân tộc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vào ngày 18/7/1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được ký hết, là sự kiện mở đầu cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là văn kiện mang tính chính trị, pháp lý cơ bản, bền vững lâu dài trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng. Hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi ý kiến về vấn đề lý luận và chỉ đạo thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Lào, khơi dậy nội lực và mở rộng quan hệ quốc tế, đem lại sự đổi mới toàn diện cho mỗi nước.
Trên lĩnh vực kinh tế, hai bên chấp hành nguyên tắc hợp tác là bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau; đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau. Điểm đặc biệt nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế Lào - Việt Nam là tinh thần giúp đỡ nhau mỗi khi nước bạn gặp khó khăn mà không thể tự giải quyết được.
Trong hợp tác phát triển văn hóa thì lĩnh vực giáo dục, đào tạo cán bộ được đặt ở tầm chiến lược, tác động trực tiếp tới sự phát triển của quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, được mở đầu từ thập niên 1950. Từ đó đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn học sinh Lào được học tập tại Việt Nam từ cấp tiểu học đến THPT. Việt Nam còn gửi chuyên gia sang Lào giúp bạn xây dựng một nền giáo dục mới theo yêu cầu của bạn. Từ sau năm 1975, Việt Nam giúp bạn đào tạo cán bộ đạt trình độ đại học và trên đại học. Theo đó, hàng năm có hơn 1.000 cán bộ, sinh viên Lào được bồi dưỡng, học tập tại nhiều học viện, trường đại học Việt Nam . Về phía Việt Nam , hàng năm có từ 15-20 lưu học sinh sang học tại Đại học Quốc Gia Lào.
Đi đôi với mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, còn có mối quan hệ kết nghĩa giữa toàn bộ các tỉnh có chung đường biên giới cũng như các tỉnh không có chung biên giới giữa hai nước với nhau. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ về trao đổi đoàn tham quan, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng tháo gỡ những khó khăn giữa hai nước. Các Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có nhiều đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, chúng ta nhớ câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội; mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta; tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”!
Một cán bộ lãnh đạo của TP Hải Phòng và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong nhiều năm kể lại: ở Bộ Nội vụ, tôi được phân công những phần việc có quan hệ giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ Lào (nay là Bộ An ninh Lào). Ngoài những công việc quan hệ, trao đổi thường xuyên, theo thông lệ giữa hai Bộ, hằng năm có hai đoàn đại biểu cấp Bộ làm việc với nhau và ký văn bản hợp tác cụ thể; luân phiên mỗi năm một lần ở Việt Nam và ở Lào. Với các đồng chí lãnh tụ của Lào ông nhớ lại có lần đồng chí Lê Duẩn giao tổ chức bữa cơm thân mật để đồng chí Lê Duẩn tiếp đồng chí Cay-Sỏn Phôm-Vi-Hẳn. Trong bữa cơm thân mật, các đồng chí trò chuyện thân tình với nhau những chuyện lớn về tình hình quốc tế, tình hình hai nước Việt Nam và Lào... chỉ khi có đồng chí hỏi đến TP Hải Phòng, chúng tôi mới báo cáo với các đồng chí. Trong lúc nghỉ ngơi, đồng chí Cay-Sỏn rất gần gũi và chuyện trò với anh em chúng tôi như người nhà, anh em chúng tôi có người nói đến việc sử dụng mật gấu chữa chấn thương, đồng chí Cay-Sỏn vui vẻ trao đổi về dùng mật con vịt trắng hay hơn, vì không có phản ứng phụ như mật gấu. Đồng chí Cay-Sỏn khi bị chấn thương do bom địch gây ra ở khu căn cứ Lào, bà con dân tộc thiểu số đã bàn nhau chữa cho đồng chí khỏi chấn thương bằng mật vịt trắng!... Theo kinh nghiệm của đồng chí Cay-Sỏn nói, anh em ta đã tìm mua vịt trắng về cải thiện, lấy mật vịt trắng chữa bệnh. Một vài đồng chí nói với tôi, đã dùng mật vịt trắng chữa bệnh thay mật gấu có kết quả.
Về lãnh tụ Su-Pha-Nu-Vông và phu nhân, lấy tên Việt Nam là anh, chị Chính (các đồng chí Lào đi tháp tùng và chúng tôi cũng thường gọi là anh chị Chính). Theo chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn nên tổ chức để mời vợ chồng đồng chí Su-Pha-Nu-Vông thăm biển đảo Hải Phòng. Chúng tôi đã tổ chức chu đáo chuyến thăm biển đảo Cát Hải. Đoàn nghỉ ăn trưa tại doanh trại Đồn CANTVT (nay là Bộ đội Biên phòng) ở bến Gót, xã Cao Minh, Cát Hải. Trên đường đi, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Su-Pha-Nu-Vông đã trao đổi với nhau nhiều chuyện, còn chị Chính thì vui vẻ nói với chúng tôi nhiều chuyện đời thường. Có đồng chí xin phép hút thuốc lào, chị Chính nói ở Lào bà con gọi là “thuốc Việt” đấy.
Các đồng chí Lào và chúng tôi thường có tặng phẩm lưu niệm gửi tặng nhau, bạn Lào tặng gia đình chúng tôi “gạo nếp cẩm”, cái “típ” dân bằng nan tre, màu sắc, hình dáng đẹp, dùng “típ” đựng xôi cho mỗi người khi cùng dự tiệc. Hiện nay, gia đình chúng tôi còn lưu giữ chiếc đĩa bạc có khắc “Thạp luổng” và hộp gỗ làm bằng những mảnh ghép vỏ dừa rất đẹp do các đồng chí Lào tặng, chúng tôi đặt ở nơi trang trọng kỷ vật của bạn Lào tặng để mãi mãi không bao giờ quên tình cảm anh em chúng tôi trong quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt – Lào.
Ngày nay, Việt Nam và Lào cùng đổi mới đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận dụng thực hiện sáng tạo phù hợp đặc điểm của mỗi nước, đã và đang giành được thắng lợi trên các lĩnh vực hoạt động của mỗi nước. Đó là thắng lợi bước đầu, nhưng có tính lịch sử và thời đại. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã và đang học tập, giúp đỡ nhau, phấn đấu nhằm cơ bản trở thành những nước công nghiệp, theo hướng hiện đại thời kỳ công nghệ cao của thế giới.
Quan hệ chính trị, đối ngoại Việt Nam – Lào tiếp tục được củng cố vững chắc thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với Lào tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước không ngừng tăng cường và triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Tình hình biên giới Việt Nam - Lào cơ bản ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới được triển khai theo đúng kế hoạch, phấn đấu từ nay đến hết năm 2012 sẽ xác định và xây dựng xong tất cả số mốc còn lại trên toàn tuyến biên giới và hoàn thành dự án vào năm 2014.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế Việt – Lào đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ. Về đầu tư, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với hơn 200 dự án, trị giá 3,57 tỷ USD. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Lào tăng trưởng tương đối tốt, cả năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng 49,8% so với năm 2010. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch … cũng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu.
Về giáo dục - đào tạo, hai bên nhất trí ký kết và phối hợp triển khai tốt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020”.
Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, trên nền tảng quan hệ chặc chẽ về chính trị giữa hai nước, hợp tác quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững và ngày càng đi vào chiều sâu theo tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu, phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực vào việc bảo đảm củng cố quốc phòng – an ninh, ổn định xây dựng kinh tế - xã hội của mối nước.
Một điểm nổi bật nữa là hợp tác giữa các địa phương hai nước được chú trọng thúc đẩy thông qua việc tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác gắn bó, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, ổn định và phát triển. Hợp tác giữa các địa phương và các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Viêng chăn, Chăm-pa-xắc, Khăm-muộn cũng được mở rộng và phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương và khai thác được tiềm năng và thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên. Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã đẩy mạnh hợp tác nhằm tăng cường vị thế và vai trò của cả Việt Nam và Lào trên chính trường khu vực và quốc tế
Hai bên luôn hài lòng về mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong thời gian qua; khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ thủy chung, tin cậy, coi đây là một tài sản vô giá của hai dân tộc, cần được gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Mối quan hệ đó là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc, tạo nên nền tảng thuận lợi để hai nước cùng tiếp tục phát triển, hướng tới tương lai bền vững.
Cách đây 50 năm, vào ngày 5/9/1962, sau khi Hiệp định Genève về Lào được kí kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Bước vào thời kì mới - thời kì hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977, hai nước đã kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.
Trong 35 năm qua, kể từ khi thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đã có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu với nhiều kết quả khả quan. Nhiều văn kiện quan trọng về hợp tác giữa hai nước đã được ký kết. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước được nâng lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn cho cả hai nước.
Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam - Lào được tiến hành thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để hai bên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời trao đổi về những vấn đề lí luận và thực tiễn mới đặt ra, về công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cơ sở…
Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, từ thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc, đến xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế, đi lên chủ nghĩa xã hội, lại càng thấy rõ, từng bước đi lên, từng thắng lợi của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với sự phát triển tốt đẹp của mỗi quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, một truyền thống quý báu, một quy luật phát triển, một sức mạnh vô địch, một tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc.
Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ đặc biệt quy định sự sống- còn của hai dân tộc. Các điều kiện tự nhiên, địa - chiến lược, địa - quân sự là một trong những yếu tố chi phối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Các yếu tố đó đặt ra yêu cầu tất yếu về sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã được khẳng định trong lịch sử, in đậm những mốc son sáng chói về tình nghĩa ruột thịt, thủy chung trong sáng, nương tựa lẫn nhau, sống chết có nhau: Nhân dân Lào đã cùng Việt kiều tích cực đấu tranh chống chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 – 1939 và tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền giai đoạn 1939 - 1945.
Hợp tác, giúp nhau chống thực dân Pháp xâm lược; phối hợp đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao (1954-1962); phát triển liên minh chiến đấu, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn (1973 -1975); quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong giai đoạn khảo nghiệm, mở đường đổi mới (1976 - 1986); quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (1986 - nay).
Trong tiến trình cách mạng đó, mỗi bước phát triển của cách mạng Lào tạo hậu thuẫn cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi và ngược lại, thắng lợi của cách mạng Việt Nam tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển. Mối quan hệ đó xuất phát từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh giải phóng mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong sự nghiệp chung đó, Lào và Việt Nam đã trở thành những người bạn, người đồng chí, người anh em máu thịt. Đó là một mối quan hệ xưa nay hiếm - một mối quan hệ láng giềng tự nhiên, có lịch sử gắn bó lâu dài, chung một dãy Trường Sơn, chung một dòng sông Mê kông, chung một ý thức hệ...
Đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy”.
Nhìn lại lịch sử đã qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa và có hiệu quả mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dành cho sự nghiệp cách mạng của nhau. Những thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với nhân dân Lào, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nước Lào có tổng diện tích 236.800 km2, có đường biên giới giáp 5 nước: Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp My-an-ma, phía tây giáp Thái Lan, phía nam giáp Căm-Pu-Chia và phía đông giáp Việt Nam. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 10 tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam với chiều dài 2067 km (Riêng đường biên giới chung với Quảng Trị là 206 km, gồm 2 tỉnh Savằnnkhet và Salavan). Rừng núi chiếm 3/4 diện tích, có nhiều lâm sản, động vật và khoáng sản quý hiếm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Có dòng Mê-công chảy từ bắc xuống nam dài 1865 km. Có núi Phu-bia cao 2820m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất nước Lào. Có cố đô Luông-pha-ra-băng là di sản văn hoá thế giới, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch.
Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Được mệnh danh là “Miền đất Triệu voi”- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo.
Văn hóa Lào là xứ sở của Phật giáo tiểu thừa, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới, chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi, ăn diện và múa hát. Lễ hội cũng là biểu hiện của văn hoá tâm linh phật giáo từ, bi, hỉ, xả đã ăn sâu vào máu thịt bao đời người dân các bộ tộc Lào, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh mà quyến rũ.
Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách, và văn hoá của người Lào. Qua thời gian năm tháng được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… đó là mỹ tục rất đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, là dẫu chỉ một lần mà lưu luyến mãi.
Người Lào rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Lào. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán” (Vầu thực khọ, khỏ kin cò bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thực khọ khỏ xừ cò bò khải). Người Việt còn lưu lại trong thư tịch cổ: “người Lào thuần hậu chất phác”, trong giao dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác”. Đó cũng là tình cảm bình dị, chân thành mà người dân nước Việt giành cho người người dân láng giềng của mình.
Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hoá thế giới), chùa Vạtxixun (Luông pha băng), Núi phú Xỉ, Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình.v.v.
Là một vùng đất có lịch sử lâu đời nhưng trải qua các cuộc chiến tranh với người Miến Điện, Trung Hoa và đặc biệt với đế quốc Xiêm nên nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo bị tàn phá. Nhiều di tích hiện nay đã được xây dựng lại trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 còn nét cổ kính, uy nghi. Đất nước Lào có nhiều di sản văn hóa như chùa Wat Sisaket, tháp That Luang (Thạt Luổng) - di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và hiện được coi là biểu tượng của nước Lào. Luông Pha Băng, nghĩa là Phật Vàng Lớn được ca ngợi như "viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới". Cánh đồng chum - một di tích khảo cổ học nằm ở tỉnh Xiêng Khoảng...
Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.
Là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng, hai nước Việt - Lào và sự gắn bó keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvi hản trực tiếp gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp. Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên tầm cao mới cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị hợp tác thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.
Trong quá trình tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, hai bên cần luôn luôn tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau. Trong quan hệ hợp tác kinh tế cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào.
Việt Nam và Lào cần phải phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt trở thành động lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước chúng ta.
Tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí trước hết tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
Từ những nội dung về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam như đã nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng hai dân tộc Việt Nam – Lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau, bởi vì:
- Chính quá trình cộng cư, hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã dẫn đến việc cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn lợi sinh thủy. Điều này đã khẳng định các quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc chính là những điều kiện lịch sử và xã hội đầu tiên, tạo ra những mối dây liên hệ và sự giao thoa văn hoá nhiều tầng nấc giữa cư dân hai nước. Sự hài hoà giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh người Việt cũng như người Lào. Chính trong cuộc sống chan hoà này, nhân dân hai nước Việt Nam- Lào đã ngày càng hiểu nhau và bày tỏ những tình cảm rất đổi chân thành với nhau.
- Cùng với các điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội, văn hoá, lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã làm cho mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam càng gắn bó keo sơn. Bằng việc xây dựng hệ thống quan điểm và chỉ đạo thực tiễn thực hiện liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Đó là mối quan hệ vừa bảo đảm lợi ích dân tộc, vừa bảo đảm kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đặc biệt này giữa nhân dân hai nước được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được.
- Không cho các thế lực thù địch và phản động xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam . Muốn vậy, hai dân tộc càng phải yêu thương, gắn bó chặc chẽ với nhau, cùng nhau đoàn kết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân hai nước.
- Trong bối cảnh đoàn kết hợp tác rộng mở trên thế giới hiện nay, xuất hiện nhiều hình thức liên kết hợp tác song phương và đa phương với nhiều mục đích khác nhau, do vậy hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cần gắn bó chặc chẻ bên nhau, cùng nhau xây đắp mối quan hệ đặc biệt trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết quốc tế trong lịch sử thế giới đương đại, đồng thời cũng vì sự phát triển bền vững của mỗi nước./.
kenhdaihoc.com - Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét