GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT: "Năm tới, Bộ sẽ xem xét để cho các trường tuyển sinh khối C - khoa học xã hội nhân văn và các trường khối năng khiếu có thể tự tổ chức thi riêng để thu hút học sinh".
Từ những số liệu về tình hình đăng ký dự thi vào các khối, các ngành nghề của các trường ĐH - CĐ năm nay, có thể thấy Bộ GD - ĐT ban đầu đã có những bước đi phù hợp trong việc điều phối tỷ lệ đăng ký dự thi.
Quan niệm xã hội liên quan đến việc chọn ngành nghề cũng đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực nhưng để sự thay đổi này ngày càng mạnh mẽ và phù hợp với tình hình thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm những giải pháp hợp lý và đồng bộ.
Trước cảnh báo của bộ Giáo dục - Đào tạo về việc dư thừa nhân lực nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, năm nay, tỷ lệ đăng ký vào nhóm này đã giảm 10% so với năm ngoái. Thực tế này cho thấy trước đây, thí sinh lao vào các ngành kinh tế bởi vì họ thiếu thông tin định hướng.
GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nhận định: "Bộ tin rằng năm tới đây, với sự thay đổi nhận thức của xã hội, với việc làm tốt công tác truyền thông, tỷ lệ đăng ký ngành nghề sẽ dần dần cân đối".
Tỉ lệ đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế vượt trội so với các ngành xã hội (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, có một số ngành vẫn ở trong tình trạng đìu hiu. Tiêu biểu là Toán và Thống kê, chỉ chiếm có 1% trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Đây là điều hết sức đáng buồn, nhất là với các nhà Toán học tâm huyết. GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội: "Cách chúng ta trả lương chuyên gia như hiện tại, cách chúng ta sử dụng người tài như hiện tại thì không mấy người giỏi muốn vào học toán".
Toán học được coi là ngành khoa học cơ bản phục vụ cho mọi nền sản xuất, kinh tế. Các chuyên gia cho rằng: Việc ngành này liên tục giảm lượng hồ sơ đăng ký dự thi là hệ lụy của quá trình dài thiếu sự quan tâm, thiếu những chính sách ưu đãi, phát triển đúng tầm.
Theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo đại học Mỏ - Địa chất: "Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững trước hết phải xuất phát từ nền tảng công nghiệp, và cái nền tảng công nghiệp đó phải đòi hỏi kỹ sư về mặt kỹ thuật, người ta mới giải quyết và trực tiếp làm ra sản phẩm về mặt kỹ thuật được".
GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội thì cho rằng: "Tất cả các nước đều phải đi lên từ nền sản xuất. Nền sản xuất cạnh tranh được với quốc tế và muốn vậy phải lấy khoa học cơ bản làm cốt lõi. Không thể có chuyện cứ buôn bán lòng vòng mà giàu lên được nếu chúng ta không có sản xuất".
Ngoài khoa học cơ bản thì lâu nay, nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn cũng sa vào tình trạng ế ẩm. Tỷ lệ đăng ký vào khối C từ năm 2008 đến 2011 liên tục giảm. Năm nay, số đăng ký đã bắt đầu nhích lên một chút nhưng chưa đáng kể. Cũng giống như ngành khoa học cơ bản, sự "ế ẩm" của nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn xuất phát từ chính sách đầu tư, ưu đãi, trả lương, sử dụng người tài ở các ngành này chưa được chú trọng đúng mức.
GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT: "Năm tới, Bộ sẽ xem xét để cho các trường tuyển sinh khối C - khoa học xã hội nhân văn và các trường khối năng khiếu có thể tự tổ chức thi riêng để thu hút học sinh".
Tại một hội nghị thảo luận về việc điều chỉnh mức học phí ở bậc đại học cách đây gần 1 năm, chuyên gia Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất: Nên nâng mức học phí ở những ngành hứa hẹn cơ hội tốt khi ra trường như kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính. Đồng thời, tăng ngân sách nhà nước, giữ học phí thấp, có chính sách học bổng tốt cho những ngành cần thu hút người học như khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Đây cũng là đề xuất nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng, để có thể thay đổi căn bản xu hướng chọn ngành nghề của xã hội, thì chính các nhà quản lý cần phải thay đổi cách nhìn nhận và mức độ đầu tư cho các ngành nghề hiện nay.
Theo: GDVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét