Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012
0 nhận xét

Vì sao đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lúa lớn nhất nước ta? Trình bày những khó khăn chủ yếu và hướng khắc phục.

07:16:00

VÌ SAO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÀ VÙNG TRỌNG ĐIỂM LÚA LỚN NHẤT NƯỚC TA?

HÃY TRÌNH BÀY NHỮNG KHÓ KHĂN CHỦ YẾU VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC 



* Trả lời: 


1. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lúa lớn nhất nước ta do những thuận lợi sau đây:
a. Tài nguyên thiên nhiên:
- Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực quan trọng nhất làm cho đồng bằng trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước.

- Các loại tài nguyên quan trọng nhất:
+ Đất đai: Diện tích 4 triệu ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 2,8 triệu ha. Bình quân đất trồng lúa theo đầu người gấp 3 lần so với đồng bằng sông Hồng.
Đất phù sa màu mỡ do được phù sa sông Tiền, sông Hậu bồi đắp. Đặc biệt là dải phù sa ngọt dọc theo sông Tiền, sông Hậu là loại đất tốt nhất để trồng lúa.
+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, nhiệt độ cao, biên độ nhiệt ít dao động trong năm. Có một mùa mưa, một mùa khô, ít có bão, thời tiết ổn định là điều kiện cho cây lúa có thể phát triển quanh năm (có thể phát triển 3 vụ lúa: vụ đông xuân, vụ hè thu và vụ mùa).
+ Nguồn nước dồi dào. Tổng lượng nước của hệ thống sông Cửu Long rất lớn. Hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nước có ý nghĩa lớn đối với việc thau chua, rửa mặn. Sông ngòi, kênh rạch còn là con đường giao thông thuận tiện.

b. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đông dân. Đây là nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ tại chỗ quan trọng. Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản xuất.

c. Đồng bằng sông Cửu Long đang được đầu tư, cải tạo về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật để biến vùng này trở thành vùng trọng điểm lúa hàng hoá lớn nhất của cả nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

2. Những khó khăn chủ yếu.
- Khó khăn lớn nhất là sự nhiễm phèn, nhiễm mặn của đất, trong lúc nước lại không đủ tưới trong mùa khô. Việc thau chua, rửa mặn khó khăn, tốn kém.

- Tính chất đất phức tạp: có 3 loại đất chủ yếu:
+ Đất phù sa ngọt ven sông, chiếm 30% diện tích đồng bằng phân bố thành dải dọc sông Tiền và sông Hậu là loại đất tốt nhất.
+ Đất phèn có diện tích lớn nhất (>40%), phân bố thành các vùng tập trung (Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên).
+ Đất mặn chiếm >18%, phân bố dọc duyên hải.
Khó khăn đối với đất đai canh tác là thiếu dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng, đất quá chặt, khó thoát nước.

- Tình trạng thiếu nước trong mùa khô dẫn tới sự xâm nhập sâu của nước mặn vào đất liền làm tăng cường độ chua mặn trong đất.
- Địa hình thấp tạo ra nhiều ô trũng, nhất là phần hạ lưu châu thổ. Mực nước trong các cửa sông lên xuống rất nhanh những lưỡi nước mặn ngấm dần vào trong đất. Các ô trũng khó cải tạo.
- Tình trạng chậm phát triển của các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng, trình độ dân trí chưa cao.

3. Phương hướng khắc phục:
- Sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên.
- Nước là vấn đề hàng đầu trong việc cải tạo tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Sử dụng nguồn nước ngọt trong các dòng sông để thau chua, rửa mặn kết hợp với việc tạo ra các giống lúa chịu được phèn, mặn trong điều kiện tưới nước bình thường.
- Mở rộng diện tích canh tác trên cơ sở cải tạo dần diện tích đất phèn, đất mặn thành các vùng phù sa để trồng cói, lúa, cây ăn quả.
- Phá thế độc canh, tăng cường hệ số sử dụng ruộng đất hiện nay hệ số sử dụng ruộng đất ở đây còn rất thấp. Phần lớn diện tích canh tác là ruộng 1 vụ. Ruộng 2 vụ chưa nhiều, ruộng 3 vụ còn ít. Nếu giải quyết tốt vấn đề thuỷ lợi, diện tích lúa có thể tăng 1 triệu ha so với diện tích gieo trồng hiện nay.
- Đẩy mạnh các biện pháp thâm canh và phát triển công nghiệp chế biến.


Nguồn: Kenhdaihoc.com Trích từ Sách Hướng dẫn Ôn tập và trả lời các câu hỏi Địa Lí *

Xem thêm: http://kenhdaihoc.com/forum/showthread.php?t=4096

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer
Top