CON MẮT THƠ LẤP LÁNH TRONG BỨC TRANH THƠ “CHIỀU TỐI” CỦA NHÀ THƠ HỒ CHÍ MINH
Tháng 8 năm 1942, với tư cách là đại diện cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ sang Trung Quốc để tìm sự ủng hộ của lực lượng đồng minh, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh dân tộc ta sớm giành thắng lợi. Vừa đến huyện Túc Vinh thuộc tỉnh Quảng Tây, Bác đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ. Đó là một hành vi sai trái. Để bưng bít dư luận, cắt đứt mọi liên lạc của Bác, bọn chúng liên tục chuyển Bác qua các nhà lao khác nhau, và thường giải đi vào lúc đêm khuya cho đến tối vẫn còn lưu lạc trên đường. Những lần giải đi như thế, Bác được ngắm cảnh thiên nhiên thông khoáng và cuộc sống diễn ra năng động, khơi nguồn cảm hứng cho Bác viết nên những vần thơ phảng phất phong vị cổ điển mà vẫn nổi bật chất hiện đại, mang đậm dấu ấn phong cách của chủ thể trữ tình – nhà thơ, chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Bài thơ Chiều tối là một trong những tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh như thế và tác phẩm đã thể hiện thuần nhị những phẩm chất trên.
Chiều tối là thời điểm mà theo quy luật, thì tạo vật cũng như con người chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi. Khi bóng tối buông xuống đậm dần, không gian rơi vào tĩnh lặng, thường đẩy con người vào tâm trạng hướng nội, đặc biệt là những kẻ tha phương lữ thứ, lòng thường dậy lên bao mối cảm hoài. Thôi Hiệu khi chứng kiến hoàng hôn vây phủ cảnh quan quanh lầu Hoàng Hạc hơn ngàn năm trước, đã bâng khuâng thốt lên vần thơ chất chứa nỗi hoài hương da diết:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Nữ sĩ Thanh Quan trên con đường vào kinh đô nhận chức Cung trung giáo tập, dừng chân trên đỉnh Đèo Ngang, nhìn cảnh trời, non, nước mênh mang, rồi ngẫm lại thân gái dặm trường mà lòng quặn đau, khi hình dung cảnh sum vầy của gia đình đầm ấm giờ chỉ còn lại quá khứ luyến nhớ mà thôi! Vần thơ của nữ sĩ nghe đến mức nao lòng:
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Nếu so sánh với các thi sĩ trên, thì hoàn cảnh Bác đang chịu đựng khắc nghiệt hơn nhiều. Từ tinh mơ cho đến tối, Bác vẫn còn cất bước trên con đường lưu đày vất vả; nhưng Bác không hề băn khoăn về bản thân mà tâm hồn lại đang hướng ngoại, ghi nhận những hình ảnh tự nhiên cô lẻ, chia sẻ với nỗi vất vả của con người. Phải chăng tình cảm đó xuất phát từ bản chất “nâng niu tất cả chỉ quên mình” của Bác. Hình ảnh tự nhiên hiện ra trong đôi mắt Người Thơ đa tình là một cánh chim tìm nơi tá túc qua đêm, một đám mây bơ vơ giữa bầu trời mênh mang vô tận.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Hình ảnh thơ là thế giới tự nhiên muôn thuở đọng lại thành hình ảnh cô đơn lạc lỏng trong những trang thơ buồn của Đỗ Phủ, Thôi Hiệu từ ngàn xưa. Bài Đăng Cao của Đỗ Phủ gợi lên một không gian hoang vắng thê lương:
Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chữ thanh sa bạch điểu phi hồi
Dịch thơ:
Gió gấp trời cao vươn nỉ non
Bến trong cát trắng lượn chim cồn
Còn vần thơ Hoàng Hạc Lâu nghe như tiếng thở dài ảo não của Thôi Hiệu, khi lòng cảm thấy cô đơn thiếu vắng tình quê.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch Vân thiên tải không du du
Dịch thơ:
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ vẫn bay
Hình ảnh Bác đang chứng kiến trên hành trình lưu đày nơi đất khách vào lúc chiều tối cũng có một cánh chim, một đám mây cô lẻ giữa không gian hoang vắng mênh mang. Tất cả đã được Bác định hình trong bức thi hoạ Chiều tối với gam màu hoàng hôn cổ điển. Thấp thoáng trong không gian thơ của Bác, bạn đọc thấy có bóng dáng của các thi gia thời Đường, Tống. Nhưng ở đây, Bác không nhằm tạo ra một gam màu mờ xám để hoà đồng với cái tâm trạng não nề bi thương của chủ thể trữ tình như Thôi Hiệu, Đỗ Phủ năm xưa. Bức tranh thiên nhiên quạnh vắng trong thơ Bác có giá trị như tấm phông nền độc lập, để làm nổi bật bức tranh cuộc sống lạc quan sinh động của con người đang diễn ra trong thời điểm đêm về giữa rừng núi hoang vu.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Dịch thơ:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Hình ảnh trong bức tranh thơ Chiều tối là sự đơn nhất, thống nhất, lại đối lập giữa cảnh thiên nhiên với cảnh miêu tả cuộc sống của con người. Đây cũng là nét độc đáo tài hoa có tính phong cách của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. Dù chủ thể trữ tình không xuất hiện trực tiếp trong thơ, nhưng chúng ta cũng hiểu được trong không gian thơ bao hàm một cánh chim tìm cây để ngủ, một đám mây lơ lững giữa bầu trời, một cô gái miền sơn cước đang xay ngô, một lò than rực hồng và một người tù cô độc. Đó là sự thống nhất về hệ hình ảnh, nhưng lại tạo ra sự đối lập giữa cái tỉnh, cái thụ động của tự nhiên, của mây, của chim, với cái chủ động có ý thức của con người, của cô miệt mài xay ngô để cả gia đình được quây quần quanh bữa cơm đầm ấm. Sự tập trung nỗ lực vào công việc ấy đã trở thành nguồn nhiệt lượng giúp cô gái khắc chế được cái lạnh xâm nhập vào cơ thể toát ra từ sương rừng đã núi. Đó là một hình tượng về người lao động đáng trân trọng, được nhà thơ khắc hoạ chân dung nổi bật dưới ánh lửa hồng.
Bài thơ Chiều tối ra đời có tính ngẫu hứng trong chuyến lưu đày, được Bác bén vào trong lượng ngôn từ ngắn gọn mà hàm súc. Lời kết của bài thơ hàm chứa nhiều ý tưởng thơ sâu sắc. Việc xay ngô là vất vả kiên trì nhưng quyết tâm thì cũng đến lúc hoàn thành, để thiếu nữ cất tiếng thở phào khoan khoái. Chân dung “sơn thôn thiếu nữ” nổi bật trước lò than đỏ gợi ra cảm giác vừa ấm áp vừa xua đi cái bóng tối âm trầm giữa núi rừng thâm nghiêm.
Từ hồng ấm áp khép lại vần thơ “Chiều tối” có giá trị như một con mắt thơ lấp lánh. Nó đem lại cho không gian nghệ thuật thi ca ấm áp hồng tươi, xua tan cái bóng tối ám ảnh mênh mang của đất trời. Hình ảnh thơ “lô dĩ hồng” như một “đối trọng” đủ sức nặng để cân bằng tất cả những khó khăn, vất vả, tối tăm xuất hiện ở phần trước của bài thơ. Sắc màu, trạng thái của bức tranh thơ, hình ảnh thơ vận động từ tối sang sáng, từ nhọc nhằn vất vả đến hoàn thành thư thái. Từ đó, làm người đọc liên tưởng đến chủ thể trữ tình cũng đang trên đường chiến đấu gặp buổi gian nan, nhưng với lập trường vững vàng của một người cộng sản, Nhà thơ – Chiến sĩ Hồ Chí Minh luôn ấp ủ một màu hồng lạc quan cách mạng trong tâm hồn, màu hồng biểu tượng cho ngọn cờ tự do và độc lập, mà Bác đem cả một đời đấu tranh để cho nó sớm trở thành hiện thực tung bay trên mọi miền của Tổ quốc. Sự nghiệp cách mạng rõ là khó, nhưng vấn đề là ở niềm tin, và có quyết tâm thì rồi sẽ đến ngày thắng lợi huy hoàng, như cô gái xay ngô cũng đến lúc “Bao túc ma hoàn” đón “lô dĩ hồng”. Đó phải chăng là tư tưởng thơ sâu sắc mà Bác muốn trao gởi đến tất cả chúng ta qua bài thơ Chiều tối, bài thơ phảng phất màu cổ điển, mà vẫn ánh lên tinh thần lạc quan cách mạng của chủ thể trữ tình Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của thời hiện đại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét