Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012
0 nhận xét

Nghị luận xã hội về đức tính trung thực

22:03:00


NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ ĐỨC TÍNH TRUNG THỰC


Không trung thực là một hiện tượng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống, nó đã và đang diễn ra quanh ta, nhất là trong lớp trẻ. Nó trở thành một cách sống phổ biến. Vậy trung thực là gì ?

Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.

Người trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải.

Do vậy, ngay từ tuổi ấu thơ, tuổi học trò, chúng ta cần được và tự bản thân xây dắp, rèn luyện tính trung thực. Nhưng đây đó vẫn còn nhiều hiện tượng học sinh thiếu trung thực. Cứ nhìn vào các giờ kiểm tra, các kì thi cử, hay tự hỏi, mình đã một lần nói dối bố mẹ, thầy cô giáo chưa là rõ. Ấy thế mà nhiều bạn còn rủ rê nhau, bao che cho nhau.

Ngoài xã hội cũng vậy. Trong kinh doanh, trong công việc, trong chính trị họ vẫn thường lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi cá nhân, lừa đảo kiếm tiền hay tham nhũng, che giấu tội ác trước pháp luật. Một dẫn chứng điểm hình dễ thấy nhất là trong khi nhà nước đang phải bồi thường cho người dân mang gà đi tiêu huỷ thì tại Đông Anh - Hà Nội các cán bộ đã khai khống lên đến hàng nghìn con gà, vịt các loại. Họ là những cán bộ đại diện cho dân, cho nước mà lại thiếu trung thực. Rồi gian lận thuế, ăn cắp bản quyền, khai tăng thiệt hại hay thành tích, xử án gian lận, dối trên lừa dưới... Không trung thực chính là nguyên nhân, mầm mống của các tiêu cực xã hội, gây băng hoại đạo đức, làm mất lòng tin, xói mòn đời sống tốt đẹp mọi người đang chung tay xây đắp. Bởi vậy cần phải trung thực, không vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm. Nhất là những người cầm quyền phải là người chí công vô tư, cương trực, thẳng thăn thì mới đưa đất nước vững mạnh đi lên, tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh. Rồi trong các mối quan hệ hợp tác sản xuất kinh doanh, tính trung thực sẽ giúp có được lòng tin ở mọi người, từ đó có uy tín trong sản phẩm. Thiếu trung thực sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được. Những tai biến xã hội từ nạn làm hàng giả hay ngộ độc thực phẩm, bằng cấp giả...hẳn ai cũng thấy.

Tính trung thực cần được chú trọng giáo dục, rèn luyện ngay từ những ngày còn cắp sách tới trường mà điểm đầu rèn luyện là thành thực với chính bản thân mình. Bởi vì, “Phải thành thật với mình, có thể mới không dối trá với người khác” (Uy-li-am Sếch-xpia).

Trung thực là cốt lõi, xoay quanh nó còn nhiều đức tính khác mà quan trọng nhất là thái độ thẳng thắn, tinh thần, hành động dũng cảm. Không có đức tính này, trung thực chỉ như của quý bị dấu kín. Thảng thắn, dũng cảm lại phải chân thành, khéo léo. Nêu không trung thực - thẳng thắn - dũng cảm sẽ không có tác dụng hoặc bị hạn chế tác dụng. Ta nên rút ra một điều : rèn luyện tu dưỡng các tính tốt là rất cần nhưng thể hiện nó trong xử thế còn quan trọng hơn. 
Chẳng hạn, không nhất thiết ta phải thể hiện rõ, đôi lúc ta cũng phải có ứng xử khéo léo để tránh cho người khác nỗi đau đớn về một sự thật phũ phàng nào đó. Nói như vậy có nghĩa là ta không cần phải cứng nhắc, rập khuôn mà phải biết cư xử sao cho hợp lí, hợp tình.

Đức tính trung thực là điều mà con người, nhất là con người trong xã hội hiện đại cần phải có, cần phải được rèn luyện. Vậy sao ta không rèn luyện nó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khi ra đời ta sẽ xem nó là một trong những điều cần thiết nhất để bước vào cuộc sống hiện đại ngày nay.

Nguồn: Sách Những bài văn chọn lọc lớp 10, Lưu Đức Hạnh chủ biên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer
Top