Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012
0 nhận xét

Ngày Quốc khánh ngẫm về bản tuyên ngôn lập quốc

17:41:00
Những ngày này, mỗi người Việt Nam chúng ta thường bồi hồi nhớ về chặng đường đã qua, và nghĩ tới tương lai của dân tộc, nghĩ đến những gì còn trăn trở, còn phải làm tốt hơn để tương lai Việt Nam đạt được những di nguyện của Bác Hồ, xây dựng một nước Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

LTS
Quốc khánh năm nay như một dịp để chiêm nghiệm về những bước đi của Đất nước - Dân tộc trên con đường hiện thực hóa những tư tưởng và mục tiêu cao đẹp về một Việt Nam Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà Bác Hồ đã long trọng tuyên bố trước muôn triệu người dân cũng như bạn bè thế giới sáu mươi lăm năm về trước. Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh như một tư liệu tham khảo. Mời bạn đọc cùng tranh luận.
Không phải dân tộc nào sau khi đuổi được quân xâm lược cũng ra tuyên ngôn độc lập. Vậy mà nước ta đã làm điều này tới 3 lần. Đủ biết, nước ta luôn luôn bị nhòm ngó, và độc lập đối với chúng ta quả là tài sản "không gì quý bằng" - như Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Sớm nhất trong số 75 bản tuyên ngôn độc lập trên thế giới là bản của Scotland, khi nước này thoát khỏi sự thống trị của Anh vào năm 1320 (Wikipedia). Thật ra, trước nữa còn có bài thơ Nam Quốc Sơn Hà - rất xứng đáng là một tuyên ngôn độc lập - xuất hiện hiện từ năm 1077, thậm chí năm 981 - khi nước ta chống cuộc xâm lược lần 1 của nhà Tống.
Không phải dân tộc nào sau khi đuổi được quân xâm lược cũng ra tuyên ngôn độc lập. Vậy mà nước ta đã làm điều này tới 3 lần. Đủ biết, nước ta luôn luôn bị nhòm ngó, và độc lập đối với chúng ta quả là tài sản "không gì quý bằng" - như Hồ Chí Minh đã khẳng định. Ngày nay, nếu chúng ta vẫn tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của Nam Quốc Sơn Hà và Bình Ngô Đại Cáo (1427), thì việc khai thác Tuyên Ngôn Độc Lập (1945) lại càng phải như vậy, bởi vì nội dung và tinh thần của nó bắt kịp thời đại, dự báo tương lai, và do vậy có sứ mệnh dẫn đường.
Giá trị vĩnh hằng

Đó chính là con người phải được sống, được tự do, được hạnh phúc. Chúng nằm ngay trong một câu ở phần mở đầu của Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.Hồ Chí Minh, dù chỉ ở Mỹ một năm (1912 - 1913) - so với ba chục năm bôn ba sau đó - và dù đã tiếp xúc biết bao chủ nghĩa đẹp đẽ cùng các giá trị tinh thần cao cả khác, nhưng vẫn nhận ra những giá trị vĩ đại nhất và vĩnh hằng nhất mà toàn nhân loại sẽ mãi mãi theo đuổi.
Về sinh học, con người tuân theo các quy luật của tự nhiên sẽ tiến hoá rất chậm. Về cấu trúc cơ thể, con người vẫn cứ là một động vật, điều khác biệt là ở bộ não, hai bàn tay và dáng đứng thẳng. Nhưng về xã hội học, con người sẽ tiến hoá nhanh, sẽ càng tách xa con vật nếu ngày càng có thêm tự do và hạnh phúc.
Quan niệm cũ trước đây là Tạo Hoá sinh ra muôn loài, trong đó con người là chúa tể. Ý này, nay có thể diễn tả khác đi cho phù hợp với trình độ khoa học hiện tại. Nhưng quan niệm mới, rất cách mạng, nảy ra từ cách đây trên hai thế kỷ, là mọi người được tạo ra như nhau (all men are created equal). Nếu vậy, mỗi người phải được đấng Tạo Hoá ban cho như nhau những QUYỀN tất yếu, không thể chuyển nhượng, để phân biệt với con vật. Trong thiên nhiên và khi đứng trước con người, không một con vật nào có những quyền đó.
Đã là quyền "tất yếu" thì không cần bàn cãi và không ai được phép làm người khác hiểu sai. Đã là quyền "không thể chuyển nhượng" thì không ai được phép lấy bất cứ tư cách gì để ban phát hay tước đoạt quyền vốn có của người khác.
Như vậy, bất cứ thế lực nào, từ đâu, nếu vi phạm các quyền đương nhiên nói trên đều bị coi là phi nghĩa, là thù địch.
Trên quan niệm này, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã lên án thực dân Anh và sau đó 169 năm Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp trong các bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước mình.
Tuyên ngôn độc lập Hoa KỳDịch sát nghĩaTuyên ngôn độc lập Việt Nam
We hold these truths to be self-evident,- that all men are created equal,
- that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights,
- that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness...
Chúng tôi coi là hiển nhiên những chân lý sau:- mọi con người được tạo ra như nhau;
- Tạo Hóa ban cho họ những Quyền tất yếu không thể chuyển nhượng;
- trong số đó có quyền Sống, Tự Do và quyền mưu cầu Hạnh Phúc...
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những Quyền không ai có thể xâm phạm được;
trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...


Hồ Chí Minh không trích cả câu, vì đoạn trích trong câu đã đủ ý cho lập luận rằng "mọi dân tộc đều sinh ra như nhau, do đó đều có các quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc", để tiếp đó vị Chủ tịch chính phủ lâm thời thay mặt dân kết án kẻ xâm lược - như mọi bản tuyên ngôn độc lập vẫn làm.
Từ quan niệm trên, nghĩa vụ của một chính phủ là tôn trọng, bảo vệ các QUYỀN vốn có của mỗi công dân. Nếu một chính quyền tự đóng vai bề trên để ban phát các quyền này, hoặc vin cớ để hạn chế hay tước đoạt chúng, đều ít hay nhiều, là phi nghĩa. Cũng vậy, trong một xã hội văn minh, khi cá nhân hay tập thể bị coi là tội phạm thì nguyên nhân duy nhất là đã xâm phạm các quyền này của cá nhân hay tập thể khác.
Cần hiểu đúng suy nghĩ của vĩ nhân

Có "nhà" bình luận ở nước ta đã viết - và mỗi năm cứ thế dạy cho hàng triệu học sinh - rằng Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ là cách dùng chính những lời hay ý đẹp của... kẻ thù để lên án kẻ thù (!). Lịch sử trung thực cho biết, thời điểm 1945 và trước đó, Hồ Chí Minh muốn tranh thủ sự giúp đỡ và công nhận Hoa Kỳ, hơn là lên án Hoa Kỳ.

Sự kết hợp cờ Việt Nam - Mỹ (11/1945)


Nay thì rõ, hơn ai hết, chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự khâm phục ý tưởng cao cả về các QUYỀN vĩnh cửu của con người nêu trong đoạn trích dẫn và muốn thực hiện cho dân mình các QUYỀN đó.
Đoạn tiếp của câu, Hồ Chí Minh đã thể hiện rất đầy đủ và cụ thể trong Hiến Pháp 1946. Đó là đoạn: "để đảm bảo cho những QUYỀN này, các Chính Phủ phải được thiết lập từ những con người mà thực quyền của họ là do sự nhất trí của người bị cai trị. Mỗi khi, bất kỳ một loại hình chính phủ nào nếu phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính phủ đó và lập nên một chính phủ mới...".

(Chân dung lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiang Kai-shek và Truman)

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Độc Lập là điều kiện để thực hiện quyền Sống và quyền Tự Do; Tự Do là điều kiện để mỗi người tự mưu cầu Hạnh Phúc. Khi tiếp cận những chủ nghĩa rất đẹp đẽ về mặt lý thuyết, Hồ Chí Minh đã chọn và tiếp thu để áp dụng cho Việt Nam chủ nghĩa Tam Dân, thể hiện cô đọng bằng Dân tộc (phải độc lập), Dân quyền (phải tự do), Dân sinh (phải hạnh phúc). Nó phù hợp với Việt Nam, mặc dù nó chưa được coi trọng ở chính quê hương tác giả. May mắn, đây là sự lựa chọn chính xác; do vậy trước hết phải mưu đồ độc lập cho dân tộc.
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Việc công bố Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 nói lên đất nước đã có Độc Lập, người dân đã có chính quyền nội địa. Vậy thì, sau khi có độc lập, chính quyền phải làm gì cho dân? Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay trong nội dung bản Tuyên Ngôn Độc Lập: Trước tiên phải thực hiện các QUYỀN của dân, trước hết là quyền tự do.
Lòng yêu nước phải được xây đắp trên cơ sở người dân được hưởng các quyền tự do, từ đó mọi người sẽ sẵn sàng và hào hứng thực hiện các việc cụ thể khác, kể cả sự nghiệp bảo vệ nền độc lập. Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng một câu, trong đó Hồ Chí Minh phân biệt rõ độc lập với tự do. Và đây là thời điểm phải đặt tự do trên độc lập.
Hồ Chí Minh cảnh báo, Nước độc lập mà dân chưa tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa.
@tuanvietnam.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer
Top